WORKSHOP: KỸ NĂNG SÁNG TẠO VÀ XỬ LÝ VẤN ĐỀ

Tiếp nối hành trình đào tạo và hoàn thiện kĩ năng của tất cả CBNV, HALO đã tổ chức 1 buổi đào tạo nội bộ với chủ đề: Kỹ năng sáng tạo và Xử lí vấn đề. Tại đây, các CBNV đã có cơ hội không chỉ hiểu rõ hơn về các giai đoạn sáng tạo mà còn rèn luyện kỹ năng xử lý vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.

Buổi đào tạo này đã đưa các CBNV trải qua một hành trình thú vị, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, nhằm mục tiêu mở rộng tư duy và khuyến khích sự sáng tạo trong công việc hàng ngày.

Tại buổi đào tạo, các CBNV đã được tiếp cận các kiến thức mới như:

1. Các phương pháp sáng tạo:

a/ Phương pháp “ Mindstorming” hay còn gọi là phương pháp 20 ý tưởng:

CBNV thực hành sau khi nắm được lý thuyết

Để thực hiện phương pháp này, bạn bắt đầu với một vấn đề hoặc ý tưởng cụ thể và sau đó tập trung vào việc tạo ra ít nhất 20 ý tưởng liên quan đến nó. Không có ý tưởng nào bị loại trừ, thậm chí những ý tưởng có vẻ điên rồ cũng được chào đón. Mục tiêu là tạo ra sự đa dạng và phong phú trong các ý tưởng.

Khi đã hoàn thành 20 ý tưởng, bạn có thể thấy rằng những ý tưởng đầu tiên là những ý tưởng đơn giản, quen thuộc và những ý tưởng  cuối cùng thường là những ý tưởng sáng tạo và đột phá nhất. Quá trình này cũng giúp mở rộng tầm nhìn và khả năng tư duy sáng tạo của bạn.

 

b/ Phương pháp “ Brain storming”:

Phương pháp “Brainstorming” là một kỹ thuật tập trung vào việc tạo ra một lượng lớn ý tưởng từ một nhóm người tham gia. Ý tưởng chính của Brainstorming là khuyến khích mọi người tham gia vào quá trình tư duy sáng tạo một cách tự do và không bị ràng buộc.

Các quy tắc cơ bản của brainstorming bao gồm: 

  • Kích thước nhóm lý tưởng từ 4 – 7 người
  • Độ dài lý tưởng là 15-45 phút. 30 phút là tốt nhất
  • Mục tiêu là tạo ra nhiều ý tưởng nhất có thể trong thời gian cho phép
  • Buổi brainstorming phải hoàn toàn mang tính tích cực, không phán xét
  • Trước khi bắt đầu hãy thống nhất xem ai sẽ là nhóm trưởng
  • Cần có 1 thư ký
CBNV được giới thiệu những kiến thức mới

2. Một số phương pháp Brainstorming phổ biến

  • Brainwriting:

Brainwriting là một phương pháp tư duy tập trung vào việc tạo ra ý tưởng từ một nhóm người tham gia, tương tự như brainstorming, nhưng có sự khác biệt trong cách thức thực hiện. Thay vì các thành viên thảo luận và đưa ra ý tưởng ngay lập tức, brainwriting tập trung vào việc viết ý tưởng trên giấy để mọi người có thể cùng đóng góp một cách độc lập.

  • Kỹ thuật Brainstorming ngược:

Kỹ thuật “Brainstorming ngược” (hoặc Reverse Brainstorming) đưa ra một vấn đề hoặc một tình huống đã xảy ra, sau đó yêu cầu nhóm tìm ra cách để tạo ra hoặc làm cho tình huống trở nên tồi tệ hơn.

Reverse Brainstorming giúp nhóm nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác, tập trung vào việc xác định các nguyên nhân tiềm ẩn hoặc các yếu điểm có thể gây ra tình huống không mong muốn. Kỹ thuật này có thể giúp kích thích tư duy sáng tạo và tạo ra những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề.

  • 6 chiếc mũ tư duy:

“6 chiếc mũ tư duy” là một khái niệm do nhà tư duy Edward de Bono đề xuất, mô tả sáu cách tiếp cận khác nhau trong quá trình tư duy và giải quyết vấn đề. Mỗi chiếc mũ tượng trưng cho một cách tiếp cận riêng biệt, khuyến khích người dùng suy nghĩ từ nhiều góc độ khác nhau.

    • Mũ đỏ:Trực giác, cảm tính
    • Mũ vàng: Tích cực, giá trị
    • Mũ trắng: Dữ liệu, khách quan
    • Mũ xanh lá cây: Sáng tạo, nhìn nhận vấn đề
    • Mũ đen: Tiêu cực, điểm tối
    • Mũ xanh dương: Tiến trình, tổng kết kết quả

Việc sử dụng “6 chiếc mũ” giúp nhóm tư duy chuyển đổi giữa các cách tiếp cận khác nhau, khích lệ suy nghĩ linh hoạt và phong phú hơn khi giải quyết vấn đề hoặc đưa ra quyết định.

 

 

 

 

Tại đây chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Chị Nguyễn Hoàng Quỳnh Như – Trưởng nhóm Tư vấn đã cung cấp các kiến thức và những kĩ năng vô cùng thú vị và bổ ích.

 

 

 

Buổi đào tạo đã thành công với sự tham gia tích cực và nhiệt huyết từ các CBNV. Chúng tôi tin rằng những kiến thức và kỹ năng học được sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất làm việc và khả năng sáng tạo trong môi trường công việc hàng ngày.

Facebook Comments