Trải Nghiệm Kỳ Thi TOEIC Tại IIG Việt Nam Của Hồ Tấn Minh Quân Ngày 26/12/2020

Xin chúc mừng bạn Hồ Tần Minh Quân đã xuất sắc đạt được số điểm 830 TOEIC vào kỳ thi TOEIC tại IIG Việt Nam ngày 26/12/2020. Sau đây hãy cùng Halo Language Center lắng nghe những trải nghiệm của bạn ấy khi tham gia kỳ thi TOEIC vừa qua nhé.

Trải nghiệm kỳ thi TOEIC tại IIG của bạn Hồ Tấn Minh Quân này 26/12/2020

Hôm nay, được sự cho phép của Trung tâm Anh ngữ Thiên Bảo Halo nói chung và thầy giáo Lê Quốc Kiệt (James Le) nói riêng, tôi xin chia sẻ đôi điều về cảm nghĩ của bản thân sau khi hoàn tất kỳ thi TOEIC tại trung tâm IIG vừa qua.

I. Trải nghiệm kỳ thi TOEIC tại IIG ngày 26/12/2020

1. Thủ tục giấy tờ và cách đăng ký thi TOEIC tại IIG

– Mọi người lưu ý rằng kể từ tháng 9/2020, thí sinh dự thi bài thi TOEIC tại TP.HCM cần phải hoàn tất khâu đăng ký online trước khi đến IIG làm thủ tục. Đây là điều hết sức quan trọng. Mình đã tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp quên đăng ký online nên đã bị trung tâm từ chối mặc dù nhà ở xa. Khoảng thời gian từ lúc hoàn tất đăng ký online đến lúc làm thủ tục trung bình khoảng 3-5 ngày, còn từ ngày làm thủ tục đến ngày thi khoảng 7 ngày.

 Như vậy từ lúc đăng ký online đến lúc thi thật mất khoảng xấp xỉ 2 tuần, hoặc sớm hơn tùy người.

– Khi hoàn tất thủ tục đăng ký, mọi người nhớ mang theo đủ tiền, phiếu đăng ký dự thi (gồm 02 tờ in trước), CMND hoặc CCCD còn hiệu lực, 2 bản photo thẻ học sinh hoặc thẻ sinh viên (nếu có), 3 tấm ảnh 3 x 4 không quá 6 tháng (điền Họ tên, Ngày sinh, số ID sau ảnh). Khi thi thật, nhớ mang phiếu đăng ký dự thi. Nếu bạn mang CCCD thì được yêu cầu xuất trình thêm hộ khẩu gốc.

Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký thi TOEIC Online tại IIG Việt Nam

2. Chuẩn bị hành trang ngày đi thi tại IIG

– Vì nhà tương đối xa nên mình đã chủ động đi sớm và có mặt tại trung tâm IIG Việt Nam tại quận 2 khoảng 40 phút trước khi kỳ thi bắt đầu. Nhờ đó tâm lý của mình khá ổn định và ít nhiều thoải mái.

– Hôm mình thi là thứ Bảy nên khá đông, nên những thí sinh đăng ký thi TOEIC ngày hôm đó được chia thành bốn phòng riêng biệt (mình thi tại phòng 4). Các bạn có thể tra thông tin thông qua danh sách được dán sẵn trên bảng thông báo gần đó.

– Tất cả đồ đạc, tư trang cá nhân có liên quan đều phải được bỏ vào ba lô và cho vào tủ riêng. Mọi vật dụng (kể cả bút chì và gôm) đều phải để bên ngoài. Thủ tục vào phòng thi của IIG tương đối phức tạp. Các bạn sẽ được yêu cầu xếp thành một hàng dài trước phòng thi, kiểm tra vân tay, thân nhiệt (các bạn ho, sổ mũi nên chủ động chuyển thi), phiếu đăng ký dự thi và giấy tờ liên quan. Các bạn cũng sẽ được kiểm tra kim loại bằng máy quét như ở các sân bay lớn. Ngoài ra, quá trình làm bài sẽ được ghi lại bằng máy ghi âm và camera an ninh. Bằng cách này, mọi hành vi gian lận, dù là nhỏ nhất, đều trở nên không thể. Các bạn sẽ được yêu cầu ký vào tờ giấy xác nhận đi thi và được hướng dẫn đến vị trí chỗ ngồi của mình sau khi hoàn tất thủ tục (khoảng 15 phút).

– Trước khi thi, nhớ nghe kỹ hướng dẫn và tô theo sự chỉ dẫn của Giám thị. Làm sai có khả năng bị đình chỉ thi.

3. Kinh nghiệm làm bài các phần trong đề thi TOEIC

Phần Listening Part 1

– Gồm có 6 câu: 4 câu đầu dễ, 2 câu sau khó.

– Đề thi có xu hướng ra hình có chứa người (5 câu), chỉ có một bức hình ra tranh phong cảnh.

– Ở 4 câu đầu, nếu chịu khó nghe kỹ bạn sẽ không khó để hiểu và chọn được đáp án chính xác thông qua việc phân tích hình ảnh. Tuy nhiên, ở hai câu sau, các bạn cần có con mắt nhạy bén và vốn từ rộng vì các câu phát biểu na ná nhau.

– Độ khó tương đương sách Hacker.

 Bài học kinh nghiệm: Cố gắng tập trung nghe kỹ ở những câu đầu tiên này vì chúng không quá khó nên dễ kiếm điểm, nếu làm tốt những câu này sẽ tạo tâm lý thoải mái cho phần sau.

Phần Listening Part 2

– Những câu hỏi dạng Wh- questions thường ít gặp trong đề và phân tán rải rác trong Part 2 của đề.

– Dạng câu hỏi phổ biến thứ hai là về dạng câu hỏi đuôi và Yes/No questions. Tuy nhiên, đề thi có bẫy ở chỗ không phải lúc nào phản hồi có chứa Yes/No cũng là đáp án hợp lý, cần nghe kỹ để tránh bẫy và lựa chọn đáp án đúng.

– Dạng câu hỏi xuất hiện nhiều nhất là dạng đối – đáp (trên 10 câu).

– Xét về tốc độ băng: tốc độ tương đối chậm, dễ nghe nhưng đôi lúc cần phải suy luận một chút mới chọn được đáp án chính xác.

 Bài học kinh nghiệm: Cũng như trên, chìa khóa để làm tốt phần này là phải có vốn từ và sự tập trung cao độ. Ngoài ra, chúng ta cần phải nhạy bén với các tình huống giao tiếp hết sức phong phú, đa dạng. Có thể nhắm mắt để tăng sự tập trung (chỉ áp dụng cho Part 2).

Phần Listening Part 3

– Đa phần là những đoạn hội thoại có sự tham gia của hai người, hai đoạn hội thoại với sự tham gia của ba người và một đoạn hội thoại có sự tham gia của bốn người.

– Ở phần này, tốc độ băng đọc đã tăng lên nhiều đòi hỏi khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin cao, tuy nhiên có điều thuận lợi là các phương án trả lời khá dễ chọn do từ vựng không quá phong phú, nên chỉ cần nghe được key words là làm được bài.

– Hai đoạn hội thoại cuối liên quan đến bản đồ và thông báo.

 Bài học kinh nghiệm: Đến Part 3 thì một số bạn tiếng Anh có trình độ chỉ ở mức tạm được đã chấp nhận bỏ cuộc vì lượng thông tin tiếp nhận quá nhiều, và điều khó khăn ở đây là các bạn không phân biệt được những người tham gia hội thoại. Bài học rút ra là hãy cố gắng nắm được những ý chính của từng người bằng cách đặt mình vào ngữ cảnh giao tiếp của đoạn băng (hãy xem các video giải đề trên YouTube của Halo). Đọc trước câu hỏi khi làm bài.

Phần Listening Part 4

– Đến giai đoạn này, chúng ta phải nghe đoạn độc thoại dài. Mặc dù nói là dài nhưng trên thực tế, chúng chỉ dài khoảng 30 giây.

– Tốc độ đọc của Part 4 nhìn chung giống với Part 3.

– Key words của đoạn thường nằm ở đầu đoạn và cuối đoạn.

– Hai đoạn độc thoại cuối có chứa danh sách người tham gia và bản đồ.

 Bài học kinh nghiệm: Tương tự như Part 3, chúng ta phải đặt bản thân vào ngữ cảnh của bài độc thoại để lựa chọn phương án chính xác nhất. Tuy nhiên, ở giai đoạn này cần chú ý hơn vào giọng điệu và những thông tin người nói cung cấp, vì key words mà bạn nghe được có thể bị phủ định hoặc được thực hiện bởi người khác, chẳng hạn vậy. Xin nhắc lại lần nữa, bí quyết chẳng có gì ngoài việc tập trung cao độ và tăng vốn từ.

Phần Reading Part 5

– Thời gian làm bài tối ưu: 12-15 phút.

– Theo quan sát của mình thì số lượng câu hỏi liên quan đến ngữ pháp chiếm đa số (khoảng 20 câu), trong đó bao gồm word form, các thì cơ bản, rút gọn mệnh đề quan hệ, từ nối câu, liên từ, bị động, còn câu hỏi về từ vựng chiếm số lượng ít hơn (khoảng 10 câu), những kiến thức được hỏi gồm có điền giới từ và từ thích hợp (không có câu liên quan đến phrasal verb).

– Các câu hỏi không sắp xếp theo chuyên mục hay theo thứ tự từ dễ đến khó mà được xáo trộn ngẫu nhiên trong đề. Điều quan trọng nhất cần nhớ là “dễ làm trước, khó làm sau” tránh để phí thời gian quá lâu vào một câu nào đó.

Bài học kinh nghiệm: Đối với các bạn có trình độ quanh mức TOEIC 550 hoặc thấp hơn mình khuyên các bạn nên dành hẳn 20 phút cho phần này (trừ những bạn có thế mạnh phần đọc hiểu), bởi vì phần 5 này rất dễ kiếm điểm. Những bạn ở trình độ TOEIC quanh mức 650 trở lên nên hoàn tất phần này càng nhanh càng tốt (làm nhanh chứ không được làm ẩu). Về việc mở rộng vốn từ vựng và ngữ pháp, các bạn có thể đọc báo mạng hoặc lướt web sử dụng tiếng Anh để phát triển vốn từ vựng tự nhiên ngoài việc học tiếng Anh tại trung tâm.

Phần Reading Part 6

– Thời gian làm bài tối ưu: 8 phút.
– Chủ đề của Part 6 hết sức quen thuộc, liên quan đến quảng cáo, thông báo và email.
– Số lượng các câu hỏi liên quan đến từ vựng và ngữ pháp là như nhau.
– Luôn có câu hỏi yêu cầu điền một câu vào chỗ trống.

 Bài học kinh nghiệm: Part 6 thực chất là phần mở rộng của Part 5. Thực tế cho thấy những bạn làm phần 5 tốt thường làm tốt luôn cả phần 6 này. Về mặt thời gian, hãy dành 8 phút cho Part 6 (tối đa không quá 15 phút). Luôn nhớ nguyên tắc “dễ làm trước, khó làm sau, khó quá chọn đại” và “điền từ làm trước, điền câu làm sau”.

Phần Reading Part 7

– Thời gian làm bài tối ưu: 50 phút đến 55 phút.

– Các bài đọc chỉ chứa một đoạn tương đối dễ và những thông tin có thể nắm bắt được một cách dễ dàng, các bài đọc chứa hai đoạn thì thỉnh thoảng yêu cầu sự liên kết giữa các đoạn với nhau, còn bài đọc chứa 3 đoạn thì không những bạn phải có kỹ năng đọc hiểu tốt (vốn từ rộng, xử lý thông tin nhanh) mà còn phải biết liên kết những thông tin lại với nhau một cách hệ thống (đây là một thử thách rất lớn đối với những bạn trình độ ở mức quanh TOEIC 550).

 Bài học kinh nghiệm: Part 7 thực sự là chặng về đích gian nan và vất vả nhất. Trải qua một chặng đường dài gần 1 giờ 30 phút, não bộ chúng ta gần như muốn dừng hoạt động, nên hệ quả là 20 câu cuối cùng trong đề thi TOEIC thường bị chọn đại. Đối với các bạn tiếng Anh chỉ ở mức khá thì Part 7 được coi là “ác mộng”. Vậy làm sao để hóa giải nó? Theo ý kiến của mình, điều quan trọng nhất trong Part 7 chính là khả năng quản lý thời gian và một tâm lý bình tĩnh, lạc quan. Mình khuyên các bạn nên làm phần một đoạn trước (vì chúng ta không được mất điểm những câu dễ), sau đó đến đoạn ba (vì lúc đó đầu óc còn tương đối tỉnh táo) và cuối cùng là đoạn đôi. Cuối cùng, tự nhủ với chính bản thân mình rằng chúng ta đã làm tất cả, ta đã cố gắng nhiều và xứng đáng nhận được kết quả cao, và “The sun will shine tomorrow”.

4. Thời gian và cách nhận kết quả sau khi thi

Do mình thi dịp cuối năm 2020 nên mất đến 12 ngày mới nhận được kết quả TOEIC (nguyên nhân là IIG nghỉ Tết Dương lịch). Lưu ý là IIG không thông báo kết quả qua tin nhắn, email hay là qua Internet. Kết quả TOEIC của các bạn sẽ được nhận trực tiếp tại văn phòng của IIG (mình chọn cách này) hoặc qua đường bưu điện (có thu phí). Nếu chọn cách 1, khi đi nhận kết quả nhớ đem CCCD và Phiếu đăng ký dự thi TOEIC.

II. Cảm nhận chung về Halo và thầy Kiệt

– Mình bắt đầu học tiếng Anh ở Halo kể từ tháng 9 năm 2018 với mục đích trau dồi kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cũng như để luyện thi IELTS. Ban đầu mình chưa hề biết gì về TOEIC cũng như format của nó, nhưng nhờ có sự giới thiệu của thầy Kiệt và những người thân trong gia đình, mình bắt đầu quá trình tìm hiểu và luyện thi dạng bài thi này kể từ giữa năm ngoái. Dù chưa học qua lớp luyện thi TOEIC nào nhưng với sự hỗ trợ tận tình, sự quan tâm của thầy Kiệt và những kiến thức nền tảng có được thông qua lớp luyện thi IELTS, mình đã từng bước, từng bước một chinh phục những cột mốc trong bài thi tiếng Anh giao tiếp quốc tế này. Lần thi thử đầu tiên tại trung tâm Halo, mình đạt được 725 điểm. Sau đó một tháng, điểm số của mình được cải thiện đáng kể lên 815 điểm, và lần thi thật vừa rồi mình rất sung sướng và tự hào khi được 830 điểm.

– Mình hoàn toàn đề cao phương pháp tổ chức dạy và học của Halo ở chỗ thầy cô luôn biết cách tạo không khí sôi động trong lớp học, ứng dụng công nghệ thông tin để giảng dạy, theo sát từng cá nhân và tổ chức thi thử định kỳ. Theo ý kiến của mình, đây là cách học tiếng Anh chủ động, khoa học và có hiệu quả khi việc tương tác hai chiều được chú trọng. Đặc biệt việc tổ chức thi thử TOEIC hàng tuần giúp học viên không những có cơ hội luyện tập và sửa chữa sai lầm mà còn giúp chúng ta quen với tâm lý và áp lực phòng thi – một yếu tố quan trọng góp phần vào điểm tổng của chúng ta.

III. Lời cảm ơn

– Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc, chân thành nhất đến với thầy Kiệt, một người đã theo tôi từ khi mới bắt đầu học ngoại ngữ đến khi tôi trở thành một con người thông thạo tiếng Anh. Tôi biết, học tiếng Anh không như những môn học khác vì học tiếng Anh cần một quá trình, và quá trình này không hề bằng phẳng mà chứa đầy những chông gai, trắc trở. Thế nhưng qua thời gian, từ cảm giác xa lạ ban đầu, tôi cảm thấy dần yêu mến thầy hơn và quý trọng những khoảnh khắc khi học Anh văn Giao tiếp cùng thầy. Hai năm thấm thoát trôi qua và những gì tôi có được là một nền tảng tiếng Anh vững chắc để phục vụ cuộc sống sau này. Có lẽ, nếu như không có sự hỗ trợ của thầy Kiệt, tôi sẽ khó mà đạt được những cột mốc đáng kể vừa qua trên con đường chinh phục tiếng Anh.

– Trong hai tháng qua, kể từ khi chuyển sang luyện thi TOEIC, thầy đã cung cấp những tài liệu luyện thi vô cùng bổ ích từ Hàn Quốc giúp tôi nâng cao kỹ năng giải đề. Thầy luôn ở bên học trò của mình dù tôi còn học ở Halo hay không. Trước khi thi 1-2 tuần, thầy đã gửi lời động viên thường xuyên nhằm tạo tâm lý thoải mái cho tôi trước khi bước vào “chinh chiến” ở kỳ thi quyết định. Lời cảm ơn và tấm bằng này tượng trưng cho món quà sinh nhật và món quà năm mới tôi muốn gửi tặng thầy Lê Quốc Kiệt. Hi vọng thầy sẽ đào tạo ra ngày càng nhiều học viên đạt thành tích cao hơn nữa trong tương lai!

IV. Sự khác nhau và giống nhau giữa TOEIC và IELTS:

Hiện nay, có một sự tranh cãi lớn là chúng ta nên thi bài thi TOEIC hay là thi IELTS. Một số người thấy bài thi TOEIC phù hợp để xin việc hơn và cơ hội rộng mở hơn, số khác lại bảo luyện thi IELTS tốt cho tương lai hơn. Với tư cách là một người vừa mới trải qua cả hai bài thi là TOEIC và IELTS (Module Academic), tôi xin có đôi dòng bàn về vấn đề này, để cung cấp thông tin giúp mọi người lựa chọn bài thi phù hợp với chính bản thân mình.

– Thứ nhất, cả hai bài thi này đều kiểm tra kỹ năng sử dụng tiếng Anh ở các tình huống khác nhau như mọi người đã biết. Trong khi bài thi IELTS (Module Academic) thường có xu hướng hỏi liên quan đến các chủ đề học thuật như khoa học và nghiên cứu, thì bài thi TOEIC lại có mối quan hệ với các tình huống giao tiếp xã hội và tại nơi làm việc. Dù ở bài thi nào thì chúng ta đều phải có kiến thức tiếng Anh vững và một ít hiểu biết thực tế thì mới có thể đạt điểm cao.

– Thứ hai, chuyện TOEIC dễ hơn IELTS hoặc ngược lại chỉ đơn thuần là suy nghĩ chủ quan, thiếu chính xác của mỗi người. Bởi vì hai bài thi kiểm tra về các chủ đề khác nhau, nên mọi so sánh chỉ mang tính tương đối. Thực tế có một số người thi TOEIC 900 lại không đạt được IELTS 6.5, cũng có những người IELTS 7.5 nhưng chỉ đạt TOEIC 700. Điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất là ta phải chú trọng trau dồi tiếng Anh và kỹ năng làm bài, thì ta sẽ cầm chắc điểm cao dù ở bài thi nào đi chăng nữa.

– Thứ ba, về đối tượng dự thi thì bài thi TOEIC và IELTS (Module General Training) rất có lợi cho các bạn sinh viên sắp ra trường, những người mà đang tìm kiếm việc làm, có ý định làm việc cho công ty đa quốc gia, xuất ngoại để sinh sống và làm việc. Trong khi đó IELTS (Module Academic) sẽ là phù hợp cho học sinh THPT muốn học lên Đại học hoặc sinh viên Đại học muốn học lên bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ, hoặc đi du học, hoặc sang làm việc ở nước ngoài với tư cách là chuyên gia thuộc lĩnh vực Y học hoặc nghiên cứu sinh.

Lời kết:

Với kết quả TOEIC 830, mình cảm thấy tự hào vì đã làm nâng cao thương hiệu của trung tâm ngoại ngữ Halo và hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng đang chờ đón bản thân. Để kết lại, xin chúc tất cả các bạn, anh, chị nhanh chóng đạt được kết quả TOEIC mong muốn của mình và thành công trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống.

Facebook Comments