Tháng 5/2022 IIG Việt Nam đã cho ra mắt hình thức thi TOEIC trên máy tính sau hơn hai thập kỷ thi giấy truyền thống. Không cần phải tô, phải tẩy, giờ đây đơn giản chỉ cần click chuột, rõ ràng hình thức mới này tương đối lạ lẫm khiến nhiều bạn không dám đăng ký dự thi. Sau khi tham gia kỳ thi TOEIC trên máy tính tại IIG vào ngày 12/09/2022 mình viết bài review về trải nghiệm và đề thi TOEIC trên máy tính. Mình hi vọng các bạn sẽ thu thập được những thông tin bổ ích cho bản thân sau khi đọc xong bài review này.
Review đề thi TOEIC trên máy tính
1. Đánh giá phần thi TOEIC Listening
1.1. Đánh giá về đề thi TOEIC Part 1:
Đề gồm có 6 câu: 3 câu đầu và câu cuối dễ, 2 câu giữa khó.
- Năm câu đầu tiên tả người, câu cuối tả đồ vật. Câu “mở bát” mô tả rất cụ thể về một người phụ nữ đang nấu ăn và đáp án là “A woman is preparing some meal”. Bốn câu tiếp theo mình không nhớ nhưng nhìn chung ảnh rõ và không có quá nhiều chi tiết. Riêng câu 4, 5 khiến mình phân vân vì có từ lạ. Hình câu 6 cho thấy có hai chiếc laptop đặt cạnh nhau trên bàn và mình nghe được là “Two electronic devices have been placed side by side”. Điều đó cho thấy khả năng paraphrase của đề thi rất tốt.
- Tập trung, nghe thật kỹ từng câu và một khi băng đọc xong nội dung câu D là phải quyết đoán, bấm chọn ngay. Khác với thi giấy, nếu bạn cứ tiếp tục chần chừ máy sẽ chuyển sang câu sau và không quay lại được nữa.
- Độ khó tương đương sách ETS 2022.
1.2. Review đề thi TOEIC Part 2:
- Đề thi TOEIC Part 2 gồm có 25 câu. Trong đó, câu 7-20 và vài câu gần cuối là những câu mà câu hỏi thì quen thuộc, đáp án cũng là một câu phản hồi cung cấp thông tin rõ ràng, không đánh đố. Vì Part 3, Part 4 mình làm bài tốt và tương đối chắc chắn với chọn lựa của mình, nên có lẽ mình đã chọn sai vài câu ở Part 2 này.
- Qua kinh nghiệm làm bài ở nhà và đi thi, mình thấy các câu giữa, khoảng câu 20-28 tuỳ đề, thường là những câu khó nhất của Part 2, do đây là những câu phân loại thí sinh và các bạn sẽ dễ bị sập bẫy nếu không nghe kĩ vì, hoặc trong đáp án xuất hiện từ vựng khó, cấu trúc lạ, hoặc những phản hồi nghe có vẻ chung chung, thậm chí vô lý nhưng nó lại là đáp án đúng. Giai đoạn này thường cũng là giai đoạn dễ bị mất tập trung nhất của Part 2.
- Số lượng câu hỏi dạng Wh-question (What, when, where, how,…) vẫn chiếm đa số.
- Tiếp đến là dạng mà câu trả lời là Yes/No. Đối với những câu này thì câu hỏi của đề bài thường rơi vào dạng câu hỏi đuôi.
- Dạng câu đối đáp (statement) trong đó cả câu nói của người nói và người phản hồi đều không phải là câu nghi vấn (chẳng hạn người này khen, người kia cảm ơn) ít phổ biến hơn và chỉ chiếm khoảng 5 câu.
- Tương tự như Part 1, các bạn phải tập trung nghe và quyết đoán nhanh vì băng chạy tới đoạn nào thì màn hình chỉ hiển thị câu tương ứng, khi hết câu C phải chọn ngay trong 3 giây, thà chọn nhầm còn hơn bỏ sót, hết 5 giây máy sẽ chuyển sang câu sau và không quay lại được nữa.
- Độ khó tương đương sách ETS 2022.
1.3. Đánh giá đề thi TOEIC Part 3 & 4:
- Sở dĩ Part 3 (hội thoại) và Part 4 (độc thoại) được mình gộp chung lại là vì cách thức làm bài của hai phần này cơ bản là giống nhau, chỉ khác ở mỗi số lượng người nói.
- Sự khác biệt lớn nhất ở phần Nghe giữa bài thi TOEIC trên máy tính và thi giấy truyền thống nằm ở Part 3 và Part 4. Các bạn sẽ không được đọc trước câu hỏi và 4 đáp án trả lời tương ứng với câu hỏi đó. Khi đoạn băng đọc đến câu “Questions…to… refer to the following conversation (or phone call/extract from a meeting…) thì 3 câu hỏi và 12 lựa chọn mới hiện ra.
- Chiến thuật làm bài cũng vì thế phải thay đổi. Áp dụng kỹ năng Skimming dùng trong đọc hiểu, mình đã nhanh chóng lướt qua cả 3 câu hỏi và 4 đáp án trong câu hỏi đầu tiên. Không nên đọc tất cả vì các bạn chỉ có vỏn vẹn 5 giây đọc lướt trước khi đoạn hội thoại (độc thoại) bắt đầu. Một khi băng đã chạy là phải tập trung tuyệt đối, không suy nghĩ lung tung nữa vì sự lơ là lúc này sẽ phải trả giá bằng việc mất đi một đống điểm.
- Tương tự thi giấy, sau khi đoạn hội thoại (độc thoại) dài khoảng 30 giây kết thúc khi người ta sẽ đọc 3 câu hỏi. Quá trình này cũng kéo dài khoảng nửa phút. Nếu trong lúc nghe bạn chưa lựa chọn được thì cũng không vấn đề gì, lúc này hãy bình tĩnh nhớ lại nội dung đoạn băng để đưa ra quyết định, trong trường hợp lỡ quên mất thì chỉ còn cách đánh lụi thôi. Trong trường hợp đã hoàn tất cả 3 câu hỏi thì bạn nên hít thở sâu và nhắm mắt nghỉ ngơi trước khi qua đoạn sau.
- Sau khi băng đọc xong câu hỏi thứ 3 thì các bạn sẽ có khoảng 5 giây để chỉnh sửa lại đáp án của mình nếu muốn. Hết 5 giây, màn hình sẽ tự động chuyển sang 3 câu hỏi tiếp theo và không thể quay lại, vì vậy hãy quyết đoán chọn nhanh. Nếu không nghe được hoặc bỗng dưng phát hiện ra mình đã chọn sai rồi thì lời khuyên chân thành của mình là hãy quên nó đi, đừng để sự tiếc nuối dẫn đến tâm lý không tốt, ảnh hưởng đến các câu sau.
- Vừa mới vô câu 35-37 mình đã gặp phải đoạn hội thoại 3 người, thoạt đầu mình rất bất ngờ nhưng đã nhanh chóng bình tĩnh lại.
- Đề mình thi có nhiều câu mà trong đó keywords cũng chính là đáp án, các từ vựng được paraphrase cũng rất quen thuộc. Các câu chứa ảnh thực ra lại không khó. Các câu khó nhất vẫn là các câu hỏi về ý nghĩa của một câu phát biểu. Ở dạng này đòi hỏi thí sinh phải biết liên kết đồng thời hiểu rõ ngữ cảnh của đoạn hội thoại (độc thoại).
- Câu 69 mình gặp một bảng giá phụ kiện điện tử, hỏi “Look at the brochure. Which price will most likely be adjusted?”, thì có một câu là “I think a small change should be made. The result of our survey shows that customers do not want to spend a lot of money for a mouse” và giá của con chuột máy tính là $35. Vì vậy đáp án là $35. Một ví dụ nhỏ cho thấy khả năng xâu chuỗi các thông tin với nhau là rất cần thiết. Ngoài ra mình cũng đã gặp dạng thời gian biểu và bản đồ.
- Về tốc độ đọc của băng: Mình thấy băng đọc… rất chậm ở toàn bộ bài thi Nghe. Khi luyện tập ở nhà, mình thường nghe với tốc độ 1,5x. Mức 1,25x – 1,5x là tốc độ thường thấy trong giao tiếp với người bản xứ và các bạn mục tiêu 800+ nên áp dụng. Đương nhiên mình cũng đã sai rất nhiều lúc luyện tập, trung bình chỉ đúng khoảng 65 câu. Đến lúc thi thật thì tốc độ chuẩn của TOEIC lại là chậm với mình, người ta phát âm rõ từng chữ một cứ như là người ta đọc luôn đáp án cho mình click vô vậy. Điểm thi thật của mình vì thế mà cao hơn rất nhiều.
- Độ khó tương đương với sách ETS 2022 và dễ hơn Hacker, YBM.
2. Cảm nhận về đề thi TOEIC Reading
2.1. Review đề thi TOEIC Part 5
- Thời gian làm bài tối ưu: 7-10 phút.
- Sau khi loa phát hết câu số 100, máy sẽ tự động chuyển sang phần Đọc. Màn hình xuất hiện một thông báo hướng dẫn cách làm phần Đọc cũng như Part 5. Các bạn bấm “Next” ở góc phải phía dưới màn hình để bắt đầu làm bài thi. Khi đó đồng hồ đếm ngược ở góc phải phía trên sẽ bắt đầu hoạt động, chính xác đến từng giây, từ 1:15:00 về 0. Đây là một tính năng rất thuận tiện vì nó giúp mình quản lí thời gian dễ dàng hơn so với việc nhìn đồng hồ treo tường.
- Ở Part 5 này có một đặc điểm rất khác giữa thi trên máy và thi giấy là ở bài thi truyền thống, các bạn có thể nhìn bao quát hết các câu hỏi của Part 5, từ đó chọn các câu dễ, quen thuộc làm trước và câu khó để sau. Thật không may, ở hình thức thi trên máy, các bạn chỉ có thể làm từng câu một. Điều đó có nghĩa là, làm xong câu 101, các bạn nhấn “Next” sang câu 102, làm xong câu 102 nhấn tiếp để sang câu 103, và cứ thế. Trong trường hợp muốn quay lại câu trước thì nhấn nút “Back”. Câu nào phân vân thì mình khuyên các bạn nên đánh dấu, từ từ quay lại sau.
- Tuy nhiên, cứ “Next” vậy thì khá tốn thời gian. Câu hỏi đặt ra là nếu chúng ta đang ở câu 103 mà muốn chuyển đến câu 130 nhanh thì phải làm thế nào? Đặc biệt, mình biết có một số bạn thường làm bài theo thứ tự ngược, ưu tiên làm Part 7 trước rồi mới đến Part 6, Part 5. Rất đơn giản! Các bạn click vào ô “Review”. Tại đây màn hình hiển thị một danh sách các câu mà bạn đã làm, chưa làm và được đánh dấu, các bạn chỉ cần click vào câu muốn làm là được.
- Về đề thi ngày 12/09, mình thấy Part 5 tương đối dễ thở, không đánh đố. Số lượng câu hỏi liên quan đến ngữ pháp chiếm 1/3, liên quan đến các kiến thức về thì, thể bị động, từ loại, liên từ, mệnh đề quan hệ. Chiếm 2/3 số câu của Part 5 là kiến thức về từ vựng. Để giải quyết các câu này thì mọi người phải học từ thôi. Vài câu cuối từ vựng không phổ biến nhưng may mắn mình làm được.
- Một vài câu đã ra thi gồm: Question 114: Sales associate – cộng tác viên bán hàng; Question 122: On her business trip (không dùng in); Question 130: Credential – văn bằng, chứng chỉ…
- Độ khó tương đương sách ETS.
2.2. Đánh giá về đề thi TOEIC Part 6
- Thời gian làm bài tối ưu: 8 phút.
- Hoàn tất Part 5, màn hình sẽ hiển thị hướng dẫn cho Part 6. Lúc này màn hình làm bài sẽ được chia đôi, một bên là văn bản, một bên là 4 câu hỏi tương ứng. Sau khi bấm “Next” màn hình sẽ hiển thị 4 câu hỏi cùng văn bản tiếp theo.
- Chủ đề của Part 6 rất quen thuộc, liên quan đến quảng cáo (131-134), thông báo (139-142) và email.
- Hãy nhớ không nên dành quá nhiều thời gian cho 1 câu hỏi (dễ làm trước, khó làm sau, chọn từ làm trước, chọn câu tính sau).
- Nhìn chung, đề thi Part 6 ngày 12/09 dài hơn so với ETS 2022. Vì vậy, mình nhận xét đề này khó hơn ETS 2022 một chút.
2.3. Cảm nhận đề thi TOEIC Part 7
- Thời gian làm bài tối ưu: 55 phút.
- Part 7 là một phần không mấy dễ chịu đối với thí sinh thi TOEIC, đặc biệt là những bạn đang ở mức dưới 550 thì đây là ác mộng. Đây là phần dài nhất, câu hỏi đa dạng và có nhiều bẫy. Tuy nhiên, do Part 7 chiếm đến 54 câu nên nó chiếm khoảng 1/4 tổng điểm toàn bài thi. Vì vậy để đạt điểm cao, các bạn cần phải làm nhuần nhuyễn Part 7.
- Tương tự như Part 6, màn hình làm bài cũng sẽ được chia đôi rất thuận tiện. – Ở phần đoạn đơn, các thông tin được đưa ra chi tiết, dù có paraphrase, nhưng việc nắm bắt ý chính khá dễ dàng nên mình đã làm rất nhanh. Đa phần câu trả lời đúng thường sẽ sử dụng từ đồng nghĩa với thông tin có trong bài, ít khi bê nguyên xi.
- Khi thi trên giấy thử và thật, mình đã từng nhiều lần rơi vào hoàn cảnh sắp hết giờ làm bài khi chỉ mới làm đến câu 170. Nay thi trên máy, những cú click đã tối ưu thời gian làm bài của mình rất nhiều. Mình đã cố gắng làm nhanh nhất có thể đến câu 175 ở đoạn đơn cuối cùng. Khi đó mình còn gần 40 phút làm bài. Nhờ đó mà mình đã có thể thong thả ở 25 câu cuối cùng, đọc kỹ và chậm rãi, không bị hấp tấp dẫn đến việc đánh lụi nữa.
- Các đoạn đôi và đoạn ba tương đối dài và đòi hỏi phải liên kết thông tin giữa các đoạn lại với nhau.
- Thông thường, đoạn đầu tiên của đoạn ba các bạn thường mong đợi điều gì? Email, quảng cáo hay bảng tin? Ở bộ câu hỏi 186-190, đoạn đầu của mình lại là thời gian biểu. – Cuối cùng cũng xong 200 câu. Mình thở phào nhẹ nhõm khi vẫn còn 15 phút nữa mới hết thời gian làm bài. Mình rất bất ngờ vì trước đây khi thi trên giấy, mình thường làm bài sát giờ, thậm chí đã phải đánh lụi vài câu.
- Mình đã lướt lại một lần nữa các câu từ 101-200. Màn hình báo còn 5 phút nữa hết giờ làm bài thì các bạn thí sinh thi cùng phòng với mình hôm đó lần lượt nhấn nộp bài rồi ra về. Tuy nhiên, mình cố gắng tận dụng tối đa quãng thời gian về đích này để dò lại bài lần cuối, nếu không ra khỏi phòng thi rồi có tiếc nuối thì cũng đã muộn. Mình nộp bài lúc chỉ còn 1 phút 40 giây.
Mình thấy việc thi trên máy rất thoải mái và đề hôm đó không quá khó nên đã dự tính đạt hơn 850. Và đúng như vậy! Màn hình máy tính đã hiển thị con số 925 điểm. Dù đã dự đoán trước được điểm của bản thân nhưng mình lúc đó vẫn chưa tin mình đã làm được, niềm vui ập đến quá bất ngờ. Xem điểm xong, mình lên chỗ giám thị, ký tên rồi ra về. Trải nghiệm thi TOEIC đến đây là hết.