Chủ đề của ngày hôm nay chính là:
“Khái quát về cách Paraphrasing trong Phần 7 – RC”
“Tại sao ta phải làm chủ kĩ năng Paraphrasing?”
Nguyên nhân trực tiếp nhất là vì, tính chất của Phần 7 – Đọc Hiểu là: “có bẫy”, “nhiều bẫy” và “nhìn đâu cũng thấy bẫy”.
Ngoài nhân tố thời gian, chính việc hấp tấp chọn đáp án có từ “giống giống” ở trên bài đọc mà không paraphrase khiến ta rơi vào bẫy của đề và mất điểm, dù đã chắc mẩm là đúng.
I. Paraphrasing là gì ?
Đây là kĩ thuật diễn giải và biến đổi sao cho từ / cụm từ / câu dẫn chứng thành một từ / cụm từ / câu mới nhưng VẪN GIỮ ĐƯỢC NGHĨA BAN ĐẦU.
Ví dụ:
(1) The plane takes off at 5:00 A.M.
Máy bay cất cánh vào lúc 5 giờ sáng
(2) The time the plane departs is 5:00 A.M.
Thời gian máy bay khởi hành là 5 giờ sáng.
Trong đó, “take off” = “depart” có nghĩa là “cất cánh / khởi hành”.
Như vậy, dù đã biến đổi về cách trình bày, nội dung của câu (1) & (2) là như nhau.
II. Làm thế nào để Paraphrase ?
Tùy dạng đề, ta có những cách diễn giải sau:
1. Dùng từ đồng nghĩa (Same meaning – Different expressions)
Đây là cách thức phổ biến nhất. Ta chỉ cần dùng cách diễn đạt khác thay từ khóa sao cho vẫn giữ được ý nghĩa ban đầu.
Ví dụ:
(1) I have to postpone the meeting.
Tôi phải hoãn cuộc họp.
(2) I want to reschedule the meeting.
Tôi muốn chuyển cuộc họp sang giờ khác.
=> Về cơ bản, “postpone the meeting” = “reschedule the meeting”, chỉ khác mỗi động từ.
2. Khái quát hóa (Generalisation)
Với dạng này, ta dùng một cách diễn đạt rộng hơn, bao quát hơn thay cho cách diễn đạt gốc.
Ví dụ:
(1) Qualified candidates must be proficient in speaking and writing.
Ứng cử viên đạt tiêu chuẩn phải giỏi nói và viết.
(2) Qualified candidates have to have good communication skills.
Ứng cử viên đạt tiêu chuẩn phải có kĩ năng giao tiếp tốt.
=> Như vậy, “communication skills” là một cách nói bao hàm khái quát hơn của “speaking and writing”. Đương nhiên, ta vẫn có thể hiểu hai câu như nhau.
3. Tóm gọn (Summarizing)
Từ một câu / mệnh đề dài và phức tạp, ta sẽ biến đổi sao cho ngắn gọn súc tích hơn.
Ví dụ:
(1) I ordered shirts and sunglasses, but only shirts arrived.
Tôi đã đặt áo và kính râm, nhưng chỉ có áo là đến nơi.
(2) Sunglasses were not included in the shipment.
Kính râm không có trong lô hàng được gửi đến.
=> Từ một câu ghép gồm 2 mệnh đề như câu (1), ta gom lại thành một câu đơn giản như câu (2) nhưng vẫn giữ được nghĩa gốc.
4. Suy luận (Inference)
Từ nội dung của câu gốc, ta cần suy luận và liên hệ để đưa ra câu mới, thay vì chỉ đơn thuần biến đổi về mặt cấu trúc / từ vựng như trước.
Ví dụ:
(1) The city of Barrie is considered to be the running capital, and it is the home to several public swimming establishments.
Thành phố Barrie được xem là thủ đô của môn chạy bộ, và nơi đây có một vài trung tâm bơi lội công cộng.
(2) The residents in Barrie place an emphasis on exercise activities.
Cư dân ở Barrie chú trọng vào hoạt động thể dục thể thao.
=> Như ta có thể thấy, chủ thể của câu (1) và câu (2) hoàn toàn khác nhau, nhưng ý nghĩa vẫn được giữ nguyên.
Vì là “nơi tập trung các hoạt động thể thao như chạy bộ và bơi lội”, nên “cư dân ở Barrie có thể xem là rất quan tâm đến việc luyện tập”.
Trên đây là nội dung tóm tắt về kĩ năng diễn giải – Paraphrasing.
Chúc các bạn ôn luyện thật tốt!
See ya next time!
Source: Tài liệu độc quyền – HALO TOEIC 1A